Nghịch lý điểm số và kỹ năng mềm ở Gen Z

Ngày 26/12/2021 - 8 PM

| Nguyễn Đức Bảo - Trần Bảo Hân - Trương Triệu Vy

Trong bối cảnh Việt Nam có sự thay đổi lớn, nhất là khi nền giáo dục bắt đầu có sự hội nhập quốc tế, xã hội ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực trong nước phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và cơn sốt “con nhà người ta” dần thay đổi khi họ không chỉ biết học mà còn biết làm. Những sự thay đổi từ bên ngoài đã tác động đến thế hệ trẻ, đặc biệt là genZ. Vậy genZ nên ưu tiên kỹ năng mềm hay điểm số, liệu việc cân đối kiến thức trong sách vở và kĩ năng thực tế có mang lại những tác động tích cực cho nền giáo dục Việt Nam?

Bảo - Hân - T.Vy - 11A3.mp4

Cần làm rõ điểm số luôn cần thiết trong nền giáo dục, đây được coi là tiêu chuẩn đánh giá năng lực của mỗi học sinh bởi tính trực quan, dễ đánh giá của các con số. Mặt trái của việc này là sự cường điệu hóa những con điểm mà bỏ bê các kỹ năng mềm, điều mà các trường đại học, các công ty ứng tuyển đang rất cần trong bộ hồ sơ của ứng viên.

Trong nền giáo dục Việt Nam, tồn tại đã lâu câu nói “Học tài thi phận” cho thấy khả năng đánh giá năng lực của học sinh còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân có thể là cách giáo dục Việt Nam vận hành; mức lương cơ bản thấp làm giáo viên khó lo cho đời sống gia đình, hạn chế họ sáng tạo trong việc truyền đạt kiến thức cũng như cách đánh giá năng lực học sinh. Đối với học sinh, đặc biệt là các cấp học cao, lại luôn phải nhồi nhét, ghi nhớ các kiến thức hàn lâm, xa vời thực tế, bị trói buộc vào các lớp học trong lẫn ngoài trường. Điều này làm cho học sinh tuy có thể có những bảng điểm cao ngất ngưởng do chỉ chú tâm vào một kỹ năng duy nhất, nhưng lại không phát triển toàn diện, dần trở nên thụ động, khó theo kịp một xã hội phát triển từng giờ.

Dù cho có sự cải cách trong nền giáo dục ở Việt Nam, sự nỗ lực đổi mới không ngừng nghỉ của giáo viên để đem đến môi trường học tập năng động sáng tạo, các em học sinh phần lớn chỉ mới nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm, song vẫn đang loay hoay trong việc xác định và phát triển năng lực của bản thân. Lời khuyên là hãy đa dạng hóa các trải nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường để nhận ra và khắc phục kỹ năng còn yếu kém ở bản thân, song song với việc vận dụng kiến thức trên lớp vào những năng lực được phát hiện thông qua quá trình cọ xát thực tế. Qua đó học sinh vừa có thể hệ thống lại lượng kiến thức đã dung nạp vừa rèn luyện các kỹ năng mềm.

Xã hội đổi mới và phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay, ngành Giáo dục ngoài việc đấu tranh xóa bỏ “bệnh thành tích”, còn thúc đẩy thế hệ trẻ cần ứng dụng linh hoạt các kỹ năng vào thực tế. Điều này còn đòi hỏi nhà trường cần tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm kỹ năng mềm; gia đình cần chia sẻ, ủng hộ con em mình tìm hiểu thêm các kiến thức sống ngoài giờ học; và trên hết là “các chủ nhân tương lai của đất nước” cần biết cách cân bằng giữa việc học và khám phá các khía cạnh khác của cuộc sống. Có như vậy, GenZ mới có thể đổi mới sáng tạo, vận dụng tối đa các kiến thức lẫn kỹ năng để đưa ra những sáng kiến giải quyết các vấn đề của xã hội.