Khoảng cách thế hệ từ góc nhìn hai phía

Ngày 25/12/2021 - 6 PM | Trần Tuấn Kiệt - Phạm Minh Bảo Khang

Khoảng cách thế hệ luôn là một vấn đề thường trực trong mỗi gia đình vì ba mẹ và con cái sống ở các thời điểm khác nhau dẫn đến quan điểm sống bị đối lập. Thế nên tầng lớp trẻ thường ít có tiếng nói chung với các bậc cha mẹ. Cùng nghe qua các lời tâm sự của bạn trẻ và phụ huynh về vấn đề này:

Bạn Minh Hằng - Lớp 11:

Bạn có biết về thuật ngữ “khoảng cách thế hệ” không? Điều này có phải là vấn đề lớn trong gia đình hay không?

  • Có thể nói khoảng cách thế hệ là sự cách biệt tuổi tác, nhưng sự cách biệt ấy mang theo những vấn đề lớn hơn. Đó sẽ là sự khác nhau rõ rệt về mặt suy nghĩ, lí tưởng sống và quan điểm sống. Và ngoài ra khoảng cách thế hệ thật sự là một vấn đề khó nhưng không phải không giải quyết được. Thậm chí, những người cùng thế hệ vẫn có những suy nghĩ trái ngược hoàn toàn nhau. Vì vậy, nếu một gia đình không ràng buộc nhau về những suy nghĩ hay tiếng nói, cùng quan tâm, đặt nhau vào tình trạng của đối phương để thấu hiểu nhau hơn thì sẽ càng thêm hạnh phúc.

Trong gia đình, ba mẹ có thường hay tâm sự cùng bạn? Nếu có thì thường về vấn đề gì?

    • Thường thì khi con cái ở độ tuổi này, ba mẹ sẽ thường đưa ra những định hướng về tương lai hơn. Nhưng mình sẽ xem lại những sự chỉ dẫn đó có thật sự là tối ưu nhất không vì ba mẹ chỉ là đưa ra định hướng chứ không áp đặt 100%. Và khi được làm những gì mình muốn thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Còn làm điều mình không mong muốn, dù là tốt, thì cũng chỉ cố gượng ép trong một thời gian ngắn mà thôi.

Bạn đã từng đi ngược lại ý kiến của ba mẹ và đạt được kết quả như mong đợi bao giờ chưa?

    • Có nhiều chuyện mình đã thành công trong cả kết quả lẫn cả chiến thắng trong việc tăng sự an tâm của ba mẹ cho mình. Như việc hiện tại mình đang học trong một ngôi trường và cả ngành học ba mẹ từng nghĩ mình không thể theo đuổi. Ba mẹ muốn chọn mình một ngôi trường an toàn sống ổn định nhưng mình đã chọn bứt phá của thanh xuân và giờ đây mình đang ở đây với sự thành công trong việc học và điều đó giúp mình thuyết phục ba mẹ dễ hơn.

    • Trong những lúc cuộc tranh cãi đang xảy ra, thì thường mình sẽ hay phản bác, trách lại và cho rằng sự tranh luận này kì quặc. Nhưng đó chỉ là giây phút nóng giận. Sau đó mình sẽ dành thời gian để tự suy ngẫm và đặt mình ở vị trí ba mẹ để thấu hiểu họ hơn đó vì đó là do ba mẹ thật sự muốn truyền đạt đến và tốt cho bản thân mình.Mình đã cố gắng mở lòng mình cho ba mẹ được hiểu về mình nhiều hơn. Nhưng đôi khi do khoảng cách thế hệ nên việc đó không tiến triển là bao. Nhưng nếu ba mẹ tâm lý hơn, chịu lắng nghe con cái hơn thì việc thấu hiểu không có gì khó.

Theo bạn, nguyên do của cách biệt thế hệ là do cha mẹ bảo thủ hay là do con cái hiện nay có khuynh hướng độc lập?

    • Theo mình thì cả hai. Những thế hệ đi trước, đương nhiên, sẽ có nhiều kinh nghiệm để giúp thế hệ sau trở nên tốt hơn, nhưng đôi khi, thế hệ sau là vì cái tôi quá lớn mà phớt lờ hoặc không quan tâm mấy. Song, đôi khi cũng do câu "mỗi thời mỗi khác" nên thành ra quan điểm cũng có sự khác biệt hoàn toàn nhau.

    • Để đánh giá vấn đề một cách đa chiều, chúng tôi cũng đã tìm hiểu ý kiến từ phía phụ huynh, nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát về vấn đề.

Người chúng tôi phỏng vấn là cô Ngọc Liên, cô có con đang là học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Hữu Huân:

Cô có suy nghĩ như thế nào về “khoảng cách thế hệ” giữa cha mẹ và con cái ạ?

  • Hiện nay việc hội nhập quốc tế khiến thói quen, quan điểm và nhịp điệu sống của con cái khác xa với thời của ông bà, bố mẹ. Cô thuộc thế hệ X và con cô thuộc thế hệ Z. Trong khi con cô lúc nào cũng muốn tỏ ra là người trưởng thành, muốn tự chủ trong mọi quyết định thì cô lại nghĩ con mình chưa đủ lớn, chưa đủ hiểu biết và cần phải nghe lời bậc phụ huynh. Nguyên nhân là bởi con cô được sinh ra trong thời đại công nghệ số phát triển vượt, được tiếp cận sớm với tư tưởng, quan điểm của thế giới thông qua Internet. Chúng có một bộ óc sáng tạo, hiện đại, năng động muốn làm những việc cao siêu để sau này phát triển đất nước, nhưng chúng còn non trẻ, dễ bị sụp bẫy. Còn bậc phu huynh tụi cô lại được sinh ra trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, vất vả vì miếng cơm. Chính mâu thuẫn này làm cho khoảng cách giữa hai thế hệ ngày càng xa hơn.

Cô có đã hoặc từng nghĩ về việc áp đặt con cái theo suy nghĩ của mình bao giờ chưa?

  • Cô để con tự do làm những điều mà con thích và không bắt ép con cái làm theo suy nghĩ của mình vì cô cho rằng mỗi thế hệ có suy nghĩ, quan điểm riêng. Tất nhiên mọi thứ vẫn cần phải được kiểm soát tránh việc con lầm đường lạc lối. Cô định hướng cho con những điều nên làm, cần làm. Và cô cũng hiểu rõ rằng để đạt hiệu quả cao nhất thì con phải thật sự đam mê và hứng thú với việc làm đó. Cô luôn cố gắng để con phát triển theo hướng tự nhiên nhất và hỗ trợ con bước trên con đường mà con lựa chọn. Cô tin chắc rằng mình sẽ là người bạn đồng hành đáng tin cậy cùng con. Bằng cách đó, con sẽ cảm nhận được sự hỗ trợ từ chính bố mẹ - những người thân yêu nhất của mình, từ đó có nhiều động lực hơn để phấn đấu, hoàn thiện bản thân để vươn đến thành công.

Vậy cô thường làm gì để gắn kết thêm mối quan hệ thân thiết và thấu hiểu con mình ạ?

  • Cô dành phần lớn thời gian rảnh các ngày cuối tuần cho những buổi sinh hoạt gia đình. Việc tạo ra một không gian thoải mái như dắt con đi ăn những món con yêu thích và hỏi thăm về con sẽ giúp chúng cởi mở hơn. Tâm sự thường xuyên cùng con còn giúp con hiểu được tình yêu thương và mong muốn tốt đẹp mà cha mẹ dành cho chúng. Từ đó, con không chỉ xem cha mẹ là đấng sinh thành, mà còn là những người bạn thân để chia sẻ mọi việc, từ đó rút ngắn khoảng cách tình cảm giữa hai bên. Ngoài ra cô cũng học cách chấp nhận, thấu hiểu suy nghĩ và quan điểm của con, nỗ lực bước vào thế giới quan của con cái để hiểu ngôn ngữ và sự phát triển của chúng. Từ đó cho chúng những lời khuyên theo cách nhìn của người có nhiều kinh nghiệm sống. Như vậy, con cái sẽ cảm thấy được tôn trọng, ủng hộ và chúng sẽ chia sẻ với bạn nhiều hơn để được hỗ trợ hay tư vấn.

Sau lời chia sẻ từ góc nhìn của người lớn và cả con trẻ, mong các đọc giả sẽ hiểu hơn về sự thay đổi của cả hai thế hệ để thu hẹp khoảng cách cũng như để tình cảm gia đình càng thêm khắng khít.