Tình trạng stress trong việc dạy học của giáo viên

Ngày 24/12/2021 - 8 PM | Phan Lê Minh - Dương Hoàng Kiên

Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã cho học sinh và giáo viên dạy và học phương pháp trực tuyến trên các nền tảng ứng dụng học online. Và vì thế, học sinh không được đến lớp học, thầy cô cũng phải ngồi ở nhà dạy học online, khiến cho việc dạy học và học tập cũng ngày càng khó khăn hơn. Trong quá trình học tập trực tuyến đó, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng sẽ gặp nhiều áp lực và tình trạng stress. Vì vậy hôm nay chúng tôi đã liên hệ được với một giáo viên để lắng nghe thầy chia sẻ những khó khăn và những áp lực trong việc dạy và học online.

Thầy Nguyễn Trung Hậu – giáo viên dạy THCS:

Thầy cảm thấy việc dạy học online như thế nào ạ?

  • Trước tình hình mọi người phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 hiện nay, dạy học online đã được xem xét đưa vào dạy học, bởi đó được xem như là cách hữu dụng nhất thời điểm bấy giờ. Bằng kiến thức chuyên môn của mình, thầy cũng đang cố gắng hết sức để giúp các em học sinh học tập và vượt qua dịch bệnh một cách tốt nhất. Đây là một trải nghiệm thú vị và đầy ấn tượng cho cả giáo viên và học sinh.

Trong quá trình dạy và học online thấy có gặp khó khăn gì không, học trò có tương tác nhiều với thầy không? Nếu có khó khăn thì đó là gì ạ?

  • Khó khăn là không tránh được. Đầu tiên, đường truyền mạng Internet thường xuyên bị ngắt kết nối, quá tải gây ra lag mạng, gián đoạn tiết học. Đây được xem như là rào cản lớn nhất khi dạy và học online. Nó trực tiếp ảnh hưởng đến sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, từ đó chất lượng bài dạy trở nên không còn đảm bảo. Khó khăn thứ hai đến từ phía cá nhân học sinh. Những em không có ý thức cao, lợi dụng việc học online để tránh né được việc kiểm tra bài vở của giáo viên, thường xuyên không chép bài, đặc biệt là vừa học vừa ngủ, hoặc vừa làm việc riêng.

Thầy có thể chia sẻ cho em biết về cách khắc phục những khó khăn đó được không ạ?

  • Khắc phục vấn đề về mạng là điều dễ dàng, tuy nhiên vấn đề từ phía học sinh rất nan giải, bởi nó liên quan đến nhận thức cá nhân. Mà để thay đổi được nhận thức là phải cả một quá trình phấn đấu, kết hợp xuyên suốt giữa giáo viên – học sinh, gia đình – nhà trường và một phần phải tác động từ nhận thức xã hội! Đến hôm nay, cuối học kì I, bản thân lớp thầy dạy vẫn còn tồn tại tình trạng trên dù nhiều lần làm việc với phụ huynh và cả các em học sinh. Tuy nhiên tình hình chưa được cải thiện rõ rệt.

Thầy thấy việc dạy học online có khiến thầy thấy buồn, áp lực và stress hơn so với dạy học trực tiếp không và vì sao ạ?

  • Áp lực cứ đè lên mỗi tiết dạy khi phải giải quyết với chục công việc tưởng chừng là đơn giản nhưng giờ là cả vấn đề: duyệt học sinh vào, điểm danh, học sinh vắng với lý do gì, mạng lag, mic hư, cam hỏng... Điểm danh xong, 1 tiết còn lại khoảng 30 phút. Điều đó gây ra áp lực chuyên môn khá khủng khiếp. Trễ 2,3 tiết là điều bình thường. Áp lực ban đầu là có, tuy nhiên sau 1 tháng ,thầy cũng đã dần xác định được mình cần phải làm gì, giáo án soạn ra sao. Mọi thứ đã đi vào nếp của nó. Quỹ đạo dạy học không còn xáo trộn như những ngày đầu nữa. Tuy nhiên vấn đề luôn tạo sự lo lắng là từ phía học sinh khi không có sự tương tác đầy đủ. Điều đó khiến thầy cảm thấy rất khó chịu và "tuột mood" khi dạy.

Thầy sẽ làm gì để giảm bớt áp lực và stress của bản thân cũng như của học sinh ạ?

  • Nhận thấy rõ nhiều khó khăn trước mắt, thầy không chùng bước, nản lòng. Mà ngược lại, thầy lấy đó làm động lực, là bước thử thách cho mình. Chỉ cần ta cố gắng, nhiệt tình, quan tâm, thì ít nhiều cũng sẽ nhận được phần nào kết quả tốt. Để hiện thực hóa suy nghĩ của bản thân, từ việc thầy nhận thấy học sinh cũng sẽ rất khó khăn trong việc lĩnh hội kiến thức, cũng căng thẳng không kém giáo viên, nên thầy luôn tạo ra sự hài hước, trao đổi về gia đình, sức khỏe hoặc về cuộc sống với các em nhằm tạo sự nhẹ nhàng cho tiết học. Hơn hết nữa là thầy giảm tối đa lượng kiến thức cho phép để các em có thể hiểu và vận dụng ngay trên tiết học. Tuyệt đối không cho phép bản thân mất kiểm soát trong lời nói bởi một khi mất kiểm soát vì một lý do nào đó từ phía học sinh, nó sẽ làm cho thầy mất cảm xúc cho bài dạy của mình, và tiết học đó được xem là thất bại!

  • Với tư tưởng: Mỗi ngày trực tuyến là một ngày vui, dường như nó đã có hiệu quả tích cực lên bản thân thầy. Ít nhất là thầy đã cảm nhận được điều đó cho đến thời điểm này!

Qua cuộc phỏng vấn với thầy, chúng tôi đã hiểu được sự khó khăn và áp lực của các thầy cô gặp phải trong quá trình dạy học trực tuyến. Không chỉ mỗi thầy mà đó là những khó khăn và áp lực chung của các giáo viên hiện nay. Qua những lời tâm sự ấy khiến cho mỗi học sinh chúng ta cần phải nhìn nhận lại chính bản thân mình, dù biết việc học có khó khăn áp lực đến đâu nhưng mỗi chúng ta cần phải tích cực hơn trong mỗi tiết học, mỗi buổi giảng của thầy cô. Nếu có khó khăn gì trong việc học chúng ta cần phải nói trực tiếp thầy cô để cho giáo viên có thể thấu hiểu được cho chúng ta. Chứ đừng im lặng mà để hai bên gặp khó khăn và áp lực trong việc thấu hiểu nhau. Mong mỗi học sinh chúng ta có thể cùng các giáo viên hợp tác với nhau vượt qua kì học khó khăn này mà không ai phải bị những áp lực mà kì học này gây ra.