Bí mật của ba

Ngày 25/12/2021 - 2 PPM | Nguyễn Ngọc Bích Châu

Trúc, một cô học sinh mười bảy tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có ba làm phụ hồ, mẹ bán vé số để kiếm sống qua ngày. Vì thế, chi tiêu trong gia đình cứ thiếu trước hụt sau, cơm ăn chẳng đủ no. Nhất là sau khi ba cô vì tuổi cao và sức khỏe yếu nên không thể tiếp tục làm công việc nặng, đành phải ở nhà mà chẳng thể làm được gì để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cuộc sống của Trúc cứ thế mà ngày càng trở nên khó khăn hơn, con đường chạm đến ước mơ của cô như dần khép lại. Cô luôn khao khát có một gia đình đầy đủ hơn, ấm no hơn, để thoát khỏi cái cảnh nghèo nàn tăm tối, thoát khỏi căn nhà lá lụp xụp chẳng đủ để che mưa che nắng này. Và đây cũng là khởi nguồn cho toàn bộ câu chuyện.

Gia đình khó khăn nên Trúc chỉ có một chiếc áo dài để mặc trong suốt ba năm đi học, vì vậy, chiếc áo đã ngả màu vàng, trở nên cũ kĩ khiến cô tự ti và xấu hổ với bạn mỗi khi đến trường. Hoàn cảnh gia đình cũng là điều khiến Trúc luôn bị bạn bè xa lánh, khinh rẻ, bị nhà trường đòi tiền học hết lần này đến lần khác mà vẫn chưa thể đóng được. Tất cả những điều đó càng khiến cô khao khát trở nên giàu có, có một gia đình khá giả hơn. Một buổi chiều, trên đường đi học về, Trúc bị Thanh – một người bạn cùng lớp hay bắt nạt và coi thường cô chặn đường, đổ hết ly nước sting màu đỏ vào áo dài của cô. Cô bật khóc nức nở rồi chạy về nhà, định bụng sẽ mang hết những uất ức này kể với mẹ. Nhưng trên đường về, cô vô tình nhìn thấy ba đang nói chuyện với một người phụ nữ lạ. Họ trao đổi với nhau cái gì đó mà do quan sát từ xa nên cô không tài nào nghe được. Rồi bà ấy lấy trong túi ra một từ tiền 500 nghìn đưa cho ông rồi quay người đi. Trông nó cứ như là một cuộc giao dịch bí mật. Cô chạy nhanh về nhà, thấy mẹ, cô liền nói:

  • Mẹ, mẹ, hồi nãy, con mới thấy ba gặp bà nào ở ngoài kia kìa, mà mấy ngày nay con để ý thấy tay ba có mấy vết kim châm nữa, không lẽ…

  • Nín! Mày nói bậy cái gì vậy Trúc?

  • Trời ơi con có nói bậy gì đâu. Con thấy sao thì con nói vậy thôi.

Mẹ cô vẫn cứ bình thản như thể không có chuyện gì nghiêm trọng và chỉ chú ý đến cái áo dài loang màu đỏ của Trúc:

  • Ủa? Trời ơi! Cái áo dài nay sao mà…Trời đất ơi! Tui đã dặn là mặc thì phải giữ gìn cho kỹ. Nay đi học gì mà cái áo dài nó ra như vậy?

  • Trời ơi mẹ ơi. Mẹ biết cái áo dài này bao nhiêu năm rồi không? Hai năm rồi đó. Bây giờ nó cũ như cái nùi giẻ rồi. Mẹ nói giữ là giữ kiểu gì.

  • Nè nè, mày học đâu ra cái thói ăn nói mất dạy vậy hả Trúc. Mày có biết là cực khổ lắm mới may được cho mày cái áo dài này không?

Bao uất ức, tủi thân cô dồn nén lâu nay trong phút chốc được xả hết ra ngoài. Cô nhăn nhó, cau có, nói với mẹ bằng giọng điệu khó chịu:

  • Nói chuyện với mẹ con mệt thiệt luôn. Mẹ có biết bữa nay vô trường nè, không có tiền đóng tiền học nè, nhà trường thì cứ tới đòi. Tụi nó lấy nước đổ vô áo dài của con rồi nói con là nghèo, không xứng đáng để đi học, không đủ đẳng cấp để chơi với tụi nó. Mẹ biết là con nhục, con xấu hổ lắm không?

Mẹ cô lặng đi, ngập ngừng một lúc rồi nói:

  • Mẹ biết rồi. Thôi để cuối tuần mẹ gom đủ tiền rồi đưa con đóng.

  • Cuối tuần hả? Mẹ biết thầy nói trong tuần mà không đưa là thầy đuổi học con luôn đó.

  • Chứ giờ mẹ kiếm tiền đâu ra?

  • Mẹ kêu chồng mẹ đó, đi làm phụ mẹ đi.

  • Nè, con không có được hỗn với ba nghe chưa. Năm ngoái ổng còn đi làm hồ được. Chỉ tại làm nặng quá ảnh hưởng đến cái lưng của ổng, nên buộc ổng phải nghỉ ở nhà. Chứ ba mày cũng không muốn nghỉ đâu.

Trúc vẫn ngang bướng, cố cãi cho được:

  • Mệt mẹ quá! Nói ra cái mẹ bênh à. Người ta biết trước vậy thì kiếm mấy chuyện nhẹ mà làm đi. Làm chi việc nặng cái giờ ăn nằm ra đó, rồi ai đi làm. Nói chuyện với mẹ con chán quá.

Cứ thế cô bỏ vào trong, để lại mẹ với vẻ mặt ngao ngán, chán nản, buồn tủi vì con gái lại cư xử và nói những lời như vậy. Tính cách ngổ ngược, xấc láo của Trúc cũng từ đó mà bộc lộ ra ngoài. Cô không hiểu cho nỗi khổ của ba, sự vất vả của mẹ, càng không biết cảm thông cho những cho những khó khăn của gia đình. Những ảnh hưởng, tác động tiêu cực, áp lực từ bạn bè, nhà trường đã khiến một cô gái mười bảy tuổi có những lời nói và suy nghĩ không đúng chừng mực, gây tổn thương cho người thân của mình. Nhìn bạn bè cùng trang lứa đi học trong những bộ áo dài mới trắng tinh, giày dép đủ loại khiến Trúc cũng khao khát có được những thứ đó. Nhìn lại mình, chiếc áo dài đã sờn cũ, cô tủi thân vô cùng. Cô chạy vào phòng, bật khóc nức nở, những cảm xúc tiêu cực ấy cứ thế tuôn trào ra theo dòng nước mắt…

Một ngày nọ, khi đang quét sân, cô nhìn thầy ba đi ra ngoài với vẻ mặt lét lút trông rất bí mật. Cô đi theo ba thì lại thấy ông và người phụ nữ hôm trước nói gì đó với nhau. Một lúc sau, Trúc đuổi theo người phụ nữ kia, chặn bà ta lại và hỏi:

  • Bà bán hàng cấm cho ba tôi đúng không?

  • Mày muốn biết đúng không? Mày về hỏi ông già mày đó. Cái mỏ lanh chanh.

Nói xong, bà ta quay người bỏ đi. Còn Trúc, cô như vừa xác nhận được sự nghi ngờ của mình là đúng, chạy thật nhanh về nhà và hét lên trong cơn tức giận:

  • Ba! Ba! Ông đâu rồi? Ra đây nói chuyện với tôi coi.

Mẹ cô từ trong nhà chạy ra nói:

  • Ba mày đi công chuyện rồi. Có chuyện gì mà la lối om sòm vậy Trúc?

  • Mẹ biết ổng làm cái chuyện động trời gì chưa? Ổng nghiện ngập rồi đó. Mới hồi nãy, con thấy ổng với bà nào hẹn nhau đưa thuốc ngoài đó đó.

  • Thôi, không có chuyện đó đâu. Mày đừng có nói khùng nói điên.

  • Làm gì mà không có. Con mới thấy ngoài đó rõ ràng mà. Àaaa, hay là mẹ biết trước rồi đúng không? Bấy lâu nay, tiền đi học của con mẹ đưa cho ổng hút chích hết rồi chứ gì?

  • Tao nói mày có im đi không!

  • Sao con phải im? Bây giờ ổng nghiện ngập vậy rồi sống chung với mẹ con mình lây bệnh cho mình. Rồi bạn con á, nó chửi lên đầu con nè. Nó nói ba mày vừa nghèo vừa nghiện, rồi lúc đó sao con dám đi học nữa.

  • Trời ơi! Mày có im không hả?

  • Con không im đó.

  • Mất dạy!

Sự tức giận như dồn nén đến tột cùng. Mẹ cô vung tay tát cô một cái thật mạnh. Nhưng Trúc vẫn cứng đầu nói với lời lẽ nặng nề và hỗn láo hơn:

  • Bà tát tôi hả? Tôi lo cho bà mà bà tát tôi. Được rồi. Kể từ nay, tôi sẽ không về cái nhà này nữa cho bà biết.

  • Ờ. Mày ngon thì mày cứ đi đi.

  • Tôi đi cho bà coi nè.

Trong cơn tức giận, cô chạy vào nhà, với cái balo, nhét vội vài bộ quần áo vào rồi bỏ nhà ra đi, để lại bà đứng lặng ở đó, khóc tức tưởi. Như được giải thoát khỏi xiềng xích, cô chạy đi tìm Thanh, kẻ đã bắt nạt mình bấy lâu nay. Cô lao vào túm tóc, cấu xé Thanh. Tất cả những uất ức mà cô phải chịu đã dồn hết vào trận đánh này. Cứ thế, hai người vật lộn với nhau đến khi mệt lả thì Trúc bỏ đi. Cô tìm một phòng trọ rẻ tiền để ở tạm. Về phần ba cô, khi ông trở về nhà, biết con gái đã bỏ đi, ông vội vã chạy khắp nơi tìm kiếm nhưng vô vọng. Ông đi hết con phố này đến con phố khác, hỏi hết người này đến người khác nhưng không một ai biết Trúc đi đâu. Tuyệt vọng, ông ngồi xuống bên vệ đường, khóc lóc, sợ hãi. Bờ vai gầy gò của ông run lên. Ông không ngừng gọi tên con: "Trúc! Trúc ơi! Con đang ở đâu?" Ông lại đứng lên, cứ mãi đi, mãi tìm và hy vọng con ông sẽ về. Nhưng ông đâu biết rằng, đứa con mà ông yêu thương bằng cả trái tim lại nói về ông bằng những lời lẽ cay độc kia. Rồi bỗng, bước chân của ông trở nên nặng nề, chậm chạp, trời đất như xoay vòng, đảo lộn, ông ngã gục xuống đường. Người đi đường đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Trong khi đó, Trúc đi mua đồ ăn, mở balo ra tìm tiền thì thấy một tờ giấy nhỏ ghi vài dòng chữ nghuệch ngoạc mà cô nhận ra đó là chữ của ba: “Ngày 3/6, 450cc, 500 nghìn, mua áo dài cho con Trúc. Ngày 16/7, 450cc, 500 nghìn, mua sách vở cho con Trúc…”. Cô ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình. Thì ra, những hành động lén lút kia là ba cô bán máu nuôi cô ăn học, là ông đã kiếm tiền bằng chính máu của mình. Nhưng vì bán máu cho “cò” để có được số tiền nhiều hơn và để con ông không phải lo lắng, ông đã không nói cho cô biết. Đó là bí mật mà lâu nay ông đã giấu cô. Một bí mật cay đắng đến đau lòng. Vậy mà cô đã dùng những lời lẽ cay độc kia để nói về ba, nghi ngờ ông nghiện ngập, hút chích ma túy rồi bỏ nhà ra đi khiến mẹ đau lòng, ba cô vì thế mà lo lắng đi tìm rồi ngất trên đường. Bác sĩ nói ông do thiếu máu nên bị chóng mặt rồi cho ông về nhà. Đến nhà, vợ ông nghẹn ngào hỏi:

  • Sao ông không cho nó biết là ông đi bán máu để lo cho nó? Ông để nó hiểu lầm ông như vậy.

  • Tôi sợ con nó lo…

Chỉ một câu nói mà đã thể hiện hết tấm lòng và tình cảm mà ông dành cho con gái của mình. Thứ tình cảm chẳng bao giờ đòi hỏi sự đền đáp, hay thậm chí là chẳng cần cô biết đến, để cô cứ trách mắng, hiểu lầm ông. Mẹ cô lại cay đắng nói:

  • Hồi còn nhỏ nó quấn quít bên ba mẹ, yêu thương biết chừng nào. Giờ trưởng thành rồi, nó coi mọi thứ to lớn hơn ba với mẹ của nó nữa. Giờ nó bỏ nhà đi rồi. Nó có còn coi ông là ba của nó nữa đâu.

  • Tôi không cần biết. Tôi chỉ biết là mãi mãi… mãi mãi tôi vẫn là ba của nó. Trúc ơi…con ở đâu?

Còn Trúc, cô đã chạy về nhà, đứng trước cửa từ bao giờ. Nghe ba mẹ nói chuyện, cô đã hiểu hết tấm lòng và tình cảm mà ba dành cho mình. Cô òa khóc, gọi: “Baaaa…”, lao vào lòng ông như một đứa trẻ vừa bị bắt nạt và chạy về tìm ba mẹ mình. Cô quỳ xuống, vừa khóc vừa nói:

  • Con xin lỗi ba, con hư, tại con hư. Con xin lỗi ba. Mẹ, con xin lỗi mẹ. Tại con không hiểu chuyện. Mẹ tha lỗi cho con nha…

Cô nắm lấy tay ba mẹ, như cầu xin, mong mỏi sự tha thứ từ họ với thái độ thành khẩn, hối hận vô cùng. Cô còn đưa tay tự tát chính mình để tự trừng phạt cho những lời nói thiếu chừng mực kia. Và cứ thế, cả gia đình ba người họ ôm nhau khóc nức nở. Cô cảm thấy mình thật may mắn vì ba mẹ vẫn còn đây. Cô có cơ hội sửa sai rồi, có cơ hội làm lại từ đầu, nếu không thì phần đời còn lại cô sẽ sống trong đau khổ tuyệt vọng, trong sự dằn vặt khôn nguôi. Và cũng từ đó, Trúc, cô gái từng có tính cách ngỗ ngược, đã biết quý trọng ba mẹ mình hơn, biết thấu hiểu và cảm thông cho những khó khăn, vất vả và sự hy sinh của họ.

Ba không bao giờ nói rằng ba yêu con, thương con, bảo vệ con như thế nào. Nhưng tình cảm của ba dành cho con vẫn không bao giờ thay đổi. Nó như những đợt sóng ngầm, chẳng thể hiện rõ như tình yêu của mẹ nhưng vẫn vô cùng mãnh liệt, to lớn biết chừng nào. Có những chuyện ba chẳng thể nói ra để con phải hiểu lầm, nhưng dù con có làm sai thì mãi mãi con vẫn là đứa con bẻ bỏng của ba. Ba mẹ không đi cùng bạn đến cuối đời, nhưng dành cả đời để ở bên bạn. Vì vậy, hãy trân trọng ba mẹ khi họ còn ở bên ta, đừng để phải hối hận một cách muộn màng.